VI | ENG
Nguyên tắc DDCI

Nguyên tắc DDCI

 

DDCI hướng tới mục tiêu chính là nâng cao chất lượng quản trị và điều hành kinh tế tại cấp tỉnh và huyện, góp phần cải thiện chất lượng quản trị công. Do vậy chỉ số này được xây dựng nhằm thúc đẩy nhận thức và hành động nhằm cải thiện công tác và quản lý, điều hành kinh tế tại địa phương, với mục đích mang lại lợi ích tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Điều này cũng trực tiếp mang lại lợi ích về cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cho nền kinh tế và người dân tại địa phương.

 

Do vậy, DDCI dựa trên quan điểm nền tảng là doanh nghiệp kỳ vọng như thế nào đối với các cơ quan chính quyền, cụ thể là các cơ quan chính quyền cấp huyện, thị, các sở, ngành trong công tác quản trị và điều hành kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp, cụ thể là các cơ sở kinh tế, các hộ kinh doanh và doanh nghiệp, luôn kỳ vọng rằng các cơ quan chính quyền địa phương sẽ đáp ứng được các nguyên tắc mang tính nền tảng trong quản trị và điều hành kinh tế. DDCI cũng được xây dựng trên cơ sở vai trò, nhiệm vụ và chức năng quản lý của các cơ quan chính quyền cấp huyện, thị và các sở ngành theo các quy định hiện hành của Việt Nam về tổ chức chính quyền cấp huyện và tỉnh. Thực tế của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế cho thấy một số nguyên tắc cơ bản về quản trị và điều hành kinh tế phù hợp với các cơ quan chính quyền cấp sở, ngành và quận, huyện, thị xã, thành phố tại Việt Nam  bao gồm:   

 

1.       Hiệu quả trong thực hiện chính sách và quy định pháp luật với tinh thần vì doanh nghiệp

2.       Chất lượng dịch vụ công liên tục được cải thiện

3.       Minh bạch thông tin và đối xử công bằng với doanh nghiệp

4.       Lãnh đạo chính quyền năng động, tiên phong, lắng nghe và hành động vì doanh nghiệp

5.       Đối thoại thường xuyên có trách nhiệm với doanh nghiệp và đề cao trách nhiệm giải trình

6.       Gia nhập thị trường dễ dàng, thuận tiện với chi phí thấp 

7.       Dễ dàng và minh bạch trong tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh

8.       Hiệu quả trong hoạt động cấp phép và thanh tra, kiểm tra

9.       Thủ tục thuế đơn giản, thuận lợi, minh bạch và công bằng 

10.   Thủ tục hành chính được cải thiện mạnh mẽ và bộ phận một cửa hoạt động hiệu quả

11.   Hoạt động hỗ trợ kinh doanh thiết thực, hiệu quả, công bằng

12.   Chi phí không chính thức được đẩy lùi

13.  Chính phủ điện tử và chuyển đổi số trong các cơ quan công quyền được coi là nhiệm vụ ưu tiên 

14.   Các nội dung phát triển bao trùm, xã hội và bình đẳng giới được quan tâm

15.   Môi trường, sinh thái, các giá trị văn hóa, lịch sử được chú trọng trong công tác điều hành 

 

Các nguyên tắc này được hình thành trên cơ sở các khảo sát đối với cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và triển khai DDCI trong những năm vừa qua, nghiên cứu các tài liệu và quy định về vai trò, nhiệm vụ và chức năng quản lý của cơ quan chính quyền địa phương, cũng như các thông lệ quốc tế. Đây chính là những nguyên tắc được sử dụng làm nền tảng cho việc hình thành khung chỉ số của DDCI và là cơ sở để hình thành thang điểm để các “hộ kinh doanh, cơ sở kinh tế và doanh nghiệp” chấm điểm về chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền cấp huyện, thị và các sở ngành. Phương pháp luận của DDCI và các công cụ như phiếu điều tra, công cụ xếp hạng do vậy đều tuân thủ các nguyên tắc này. Với nguyên tắc doanh nghiệp chấm điểm chính quyền, điểm số cũng như thứ hạng của các sở, ngành và huyện, thị thực sự dựa trên điểm số trung bình chung của điểm số mà các cơ sở kinh tế, hộ kinh doanh và doanh nghiệp được khảo sát đã chẩm điểm đối với từng chỉ tiêu về các mặt quản trị và điều hành kinh tế của chính quyền huyện, thị và các sở ngành.

 

DDCI do vậy là chiếc gương phản chiếu chính xác cảm nhận của các cơ sở kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân về các mặt và công tác quản trị, điều hành kinh tế của các cấp chính quyền địa phương. DDCI cũng là một nhiệt kế đo lường sự hài lòng về môi trường kinh doanh và cảm nhận về triển vọng kinh doanh trong bối cảnh môi trường kinh doanh cấp huyện và tỉnh.